Kiến tập Nhập môn Công nghệ sinh học tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao

Chuyến đi kiến tập tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh thật thú vị và tràn đây niềm vui, tạo cơ hội cho chúng em bám sát thực tế, học tập hiệu quả hơn.

Hình 1: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Vừa bước vào năm nhất, chúng em được Khoa sắp xếp đến tham quan Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi này thật nhiều thú vị cũng như tràn đây niềm vui, sự thỏa mãn đam mê tìm tòi mỗi khi bước đến những khu vực tham quan. Em cảm thấy mình thật đúng khi lựa chọn khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, vì không những tạo cho chúng em không gian học tập tốt nhất, cách học hiệu quả, mà còn tạo cho chúng em cơ hội được bám sát thực tế, để rồi chúng em hình dung và biết rõ được mình đang học gì, làm gì, biết được bản thân đang lựa chọn con đường cho tương lai như thế nào, em muốn cám ơn về tất cả những điều đó.

Bên cạnh đó chuyến đi lần này lại nạp thêm năng lượng cho tình cảm của lớp chúng em với bao tiếng cười, tiếng chọc ghẹo thật sự rất thoải mái.

Hình 2: Giải lao giữa giờ kiến tập của các bạn lớp 18DSH1A

Nơi tham quan đầu tiên là khu nhà màng trồng dưa lưới. Mới vừa đến, nên ai cũng trong tư thế sẵn sàng thu nạp mọi điều hay. Nơi đây, tất cả các cây được tưới nước tự động, và cách trồng ở đây rất đặc biệt, là chỉ giữ cho cây một quả duy nhất, nhưng các cây đều cho ra quả đồng đều như nhau. Bên cạnh đó, hệ thống nhà màng cũng giúp bảo vệ cho cây khỏi các tác nhân gây hại như sâu bọ, côn trùng, khí hậu, bởi vì có thể điều chỉnh được nhiệt độ tại khu vực trồng.

Hình 3: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Đi vào thêm một chút là vườn lan M.Ren Red, tại đây cả đoàn được các anh chị kỹ thuật viên hỗ trợ hướng dẫn và giới thiệu cây lan sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô, và vườn ươm cây giống theo quy mô công nghiệp. Quy trình cây được đưa ra vườn trồng cũng giống như những gì em đã được nghe thầy cô giảng lý thuyết. Được tận mắt thấy thành quả mà công nghệ nuôi cấy mô đem lại, em lại rất mong sẽ có ngày mình được thực hiện những quy trình ấy.

Tiếp theo chúng em được dẫn đến nhà kính ươm các loại lan từ lúc còn nuôi cấy đến khi trưởng thành, thời gian cây lớn là khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi, do đó công việc này đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ và có sự nhẫn nại cao.

Hình 4: Cây lan được đưa từ phòng nuôi cấy mô ra vườn ươm

Hình 5: Mô hình trồng lan Mokara cắt cành

Cạnh khu trồng lan là những nhà trồng nấm. Lần đầu tiên em tận mắt thấy những cây nấm nhô ra từ bịch giá thể nhìn cực kì hấp dẫn, mọi khi em chỉ được thấy giới thiệu trên tivi, thật là mở mang tầm hiểu biết.

Hình 6: Quả thể nấm bào ngư xám

Cuối cùng, chúng em di chuyển tới Trung tâm Ươm tạo doanh nghiêp Nông nghiệp công nghệ cao để nghỉ ngơi, cũng như xem phim tài liệu và nghe thuyết trình về những thành tích của Trung tâm.

Hình 7: Trung tâm Ươm tạo doanh nghiêp Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Quả thật là một chuyến đi tuyệt vời, em rất biết ơn Nhà trường cũng như giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã cho em cũng như các bạn có được cơ hội học hỏi thực tế này. Em xin cảm ơn!

Trần thị Nga - Lớp 18DSH1A

Đã đọc 2261 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department