Công nghệ thực phẩm khác gì so với chế biến thực phẩm và ứng dụng trong cuộc sống

Học phần Công nghệ thực phẩm sẽ trang bị cho người học những kiến thức nền tảng nhất trong lĩnh vực thực phẩm.

Chế biến thực phẩm có thể nói là một cụm từ rất quen thuộc đối với người dân Việt nam và được nhiều người ứng dụng khá nhuần nhuyễn trong cuộc sống và trong mọi gia đình. Vậy sự khác biệt của Chế biến thực phẩm so với Công nghệ thực phẩm là như thế nào? Công nghệ thực phẩm là gì? Người theo học ngành này sẽ được học những gì và nó được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống? Đây là một câu hỏi khá thường quy được nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đưa ra để chọn lựa ngành học này tại các trường Đại học.

Chế biến thực phẩm là quá trình xử lý và phối chế các nguyên liệu thực phẩm đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống theo phương pháp thủ công hay công nghiệp để tạo thành nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm. Về cơ bản Công nghệ thực phẩm cũng tuân thủ các nguyên tắc trong chế biến thực phẩm nhưng quá trình chế biến được thông số hóa để phù hợp với các quy trình và thiết bị sản xuất ở quy mô công nghiệp. Vì vậy, (a) quy trình chế biến cần phải được nghiên cứu chi tiết các chỉ tiêu kỹ thuật từ khâu thu nhận, sơ chế nguyên liệu, nghiên cứu phương pháp chế biến, bảo quản thực phẩm và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng; (b) cần phải đánh giá những mối nguy, kiểm tra chống nhiễm và chống nhiễm chéo các tác nhân nguy hại, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối trong suốt quá trình sản xuất; (c) phải áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm (HACCP, GMP…) trong chế biến, đảm bảo sản phẩm tạo ra từ dây truyền sản xuất phải đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm lưu hành trong nước và sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Đó là một quá trình tương đối phức tạp mà người tham gia vào dây truyền sản xuất cần phải được đào tạo bài bản từ các kiến thức cơ bản đến chuyên sâu liên quan đến tối ưu hóa dây truyền sản xuất, các kiến thức liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm và nhu cầu thực phẩm của thị trường trong và ngoài nước.

Chính vì thế, Học phần Công nghệ thực phẩm sẽ trang bị cho người học những kiến thức nền tảng nhất trong lĩnh vực thực phẩm:

  1. Hiểu được các kiến thức về thành phần dinh dưỡng trong nguyên liệu và thực phẩm, sự biến đổi sinh lý và sinh hóa của các chất và các nguyên liệu trong suốt quá trình chế biến và bảo quản.
  2. Ứng dụng các nguyên tắc vật lý, hóa học và sinh học trong chế biến để tạo ra các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng được các tiểu chuẩn đề ra về an toàn thực phẩm.
  3. Học các phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm từ đánh giá cảm quan cho đến kiểm tra định lượng chất lượng sản phẩm, các phương pháp đánh giá rủi ro và bảo quản các loại sản phẩm khác nhau.
  4. Giới thiệu các quy trình, các máy móc và thiết bị được sử dụng phổ biến trong các công ty chế biến thực phẩm.
  5. Hiểu được các tiêu chuẩn chất lượng (HACCP, GMP và quản lý chất lượng) trong sản xuất thực phẩm.

Ngoài ra, môn học còn được thuyết giảng xen kẽ với các giảng viên Doanh nghiệp giúp người học có kiến thức thực tế hơn về môi trường sản xuất. Người học còn được tham quan nhiều dây truyền sản xuất khác nhau (từ nước giải khát cho đến thực phẩm) từ nhiều Công ty sản xuất thực phẩm trong nước. Giúp tăng thêm cơ hội thực tập cho các sinh viên năm cuối và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong suốt quá trình học người học còn được trang bị các kỹ năng làm việc nhóm, phân tích và tổng kết số liệu, kỹ năng giao tiếp và đối thoại trực tiếp.

Vậy học Công nghệ thực phẩm có thể làm việc ở đâu?

Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức của môn học này. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (nước giải khát, chế biến thịt, sữa, cá, đồ hộp...); các viện nghiên cứu; công ty liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu lương thực thực phẩm; hoặc có thể trở thành chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng, chuyên gia dinh dưỡng tiết chế, chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng,…

Trung Hiếu

 

Đã đọc 1071 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department