Hoàn thiện công nghệ và sản xuất màng biopolymer trên nền PHB có chứa nano bạc để làm băng dán sinh học ứng dụng trong điều trị vết bỏng và vết thương lâu liền

Lễ ký kết và triển khai thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Quốc gia mã số: DA ĐLCN.01/20 “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất màng biopolymer trên nền PHB (Polyhydroxybutyrate) có chứa nano bạc để làm băng dán sinh học ứng dụng trong điều trị vết bỏng và vết thương lâu liền”.

Trong các khảo sát, đánh giá thị trường gần đây về các mặt hàng vật dụng liên quan ngành Y, nhận thấy mặt hàng băng dán (dính), đặc biệt là băng dán trị phỏng, loét, vết thương lâu lành hoàn toàn nằm trong tay các công ty nước ngoài.

Ví dụ các mặt hàng Băng dán trị loét Urgotul của Thái Lan, Miếng dán bỏng và trợt da Urgo Burns & Graz của Pháp, … riêng tại Việt Nam doanh thu hàng năm lên đến hơn 10 triệu USD cho mặt hàng nhỏ này.

Trong khi đó các nhà sản xuất nội địa chỉ mới có khả năng sản xuất băng dán y tế có tẩm lớp keo oxyt kẽm hoặc acrylic; hầu như chưa có nhà sản xuất nào sản xuất băng dán có có khả năng trị phỏng, lỏ loét và vết thương lâu lành.

Hơn thế nữa các thế hệ mới của băng dán y tế trên thế giới hiện nay đòi hỏi vật liệu phải mang tính tương thích sinh học cao và có bổ sung các yếu tố chống viêm nhiễm, bổ sung các yếu tố giúp mau lành vết thương.

Ví dụ sản phẩm Sản phẩm BCT Antimicrobial Dressing của Canada là sản phẩm vừa hỗ trợ kháng khuẩn vừa hỗ trợ liền vết thương chống lỏ loét, bằng cách sử dụng công nghệ Cacbon Bạc. Hoặc sản phẩm Nacurgo là dung dịch xịt bao phủ vết thương chứa màng sinh học tự phân hủy polyesreramide sử dụng công nghệ Novaskin (công nghệ phân phối thuốc qua da mới nhất) dùng để băng vết thương ngoài da dưới dạng xịt.

Do vậy nhu cầu cần làm chủ công nghệ sản xuất các băng dán y tế thế hệ mới để phục vụ nội tiêu lẫn xuất khẩu là nhu cầu bức thiết của các nhà khoa học và các nhà sản xuất trong nước nhằm giành lại thị trường tại riêng Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.

Tại Việt Nam, từ những năm 2010 đến nay, các nhà khoa học đã từng bước làm chủ công nghệ vật liệu sinh học có nguồn gốc sinh học. Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu tạo màng polymer sinh học từ chủng vi khuẩn E. coli tái tổ hợp và bước đầu thử nghiệm làm giá đỡ nuôi cấy mô trong y dược”, mã số ĐTĐL2012.G/35, do PGS TS Trần Hoàng Dũng, Khoa Công nghệ Sinh học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm chủ nhiệm để tài, đã được được Hội đồng KHCN đánh giá nghiệm thu Quốc gia đề nghị “phát triển sản phẩm định hướng ứng dụng trong lĩnh vực Y-Sinh học”.

Trong đó, đề tài đã làm chủ công nghệ sản xuất màng sinh học từ Polyhydroxybutyrate (PHB) là một trong những nguồn vật liệu sinh học được quan tâm và ứng dụng mạnh nhất hiện nay. PHB có nguồn gốc từ vi khuẩn nên có tính tương học rất tốt; có khả năng tự hủy và dễ liên kết với các yếu tố thêm vào như nano bạc, yếu tố tăng trưởng, tế bào gốc, ... do cấu trúc vi lỗ đặc hiệu của nó.

Các kết quả của đề tài đã chứng thực các ưu điểm của màng khung PHB trong nuôi cấy tế bào và điều trị vết thương do bỏng tốt hơn hẳng các màng sinh học khác từ chitin, chitosan hay màng cellulose từ Acetobacterial. Do vậy đề tài đã đã tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng PHB trong điều trị các thương tổn trong tương lai.

Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã làm chủ công nghệ nano bạc. Cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng nano bạc để thêm vào băng dán vô cơ để điều trị vết thương, bỏng, loét, ...

Trên cơ sơ đánh giá của Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia, Bộ Khoa học Công nghệ đã giao nhiệm vụ dự án sản xuất thử nghiệm cấp Quốc gia cho Công ty Cổ phần POMAXHoàn thiện công nghệ và sản xuất màng biopolymer trên nền PHB (Polyhydroxybutyrate) có chứa nano bạc để làm băng dán sinh học ứng dụng trong điều trị vết bỏng và vết thương lâu liền” mã số DA ĐLCN.01/20.

Các thành viên chịu trách nhiệm chính của Dự án từ trái qua phải PGS. TS. Trần Hoàng Dũng, TS. BS. Lê Quang Trí, DS. Đào Ngọc Quynh, PGS. TS. Trần Thị Hồng, PGS. TS. Hà Thúc Chí Nhân

Dự án thực hiện trên cở sở kế thừa, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài “Nghiên cứu tạo màng polymer sinh học từ chủng vi khuẩn E. coli tái tổ hợp và bước đầu thử nghiệm làm giá đỡ nuôi cấy mô trong y dược”, mã số ĐTĐL2012.G/35, nói trên.

Sản phẩm mà đề tài hướng đến là băng dán sinh học giúp điều trị vết thương phỏng và lâu liền. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc dần thay thế cho sản phẩm nhập ngoại gần như độc quyền trên thị trường Việt nam, Đặc biệt, đề tài hướng đến phục vụ cho cả dân sự và quân sự, do vậy cần thực hiện tầm Quốc gia.

Dự án dự kiến sẽ tiến hành từ 2020 đến hết 2022, với các các nội dung chính: hoàn thiện quy trình sản xuất vật liệu PHB, màng sinh học và băng dính sinh học trên nền PHP có chứa nano bạc quy mô phòng thí nghiệm; và sản xuất băng dán sinh học quy mô 100.000 miếng/tháng với giá thành dự tính thấp hơn sản phẩm ngoại nhập cùng loại 20-35%; tập huấn chuyển giao công nghệ đào tại đội ngũ nhân viên lành nghề.

Ngày 8/6/2020, tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đơn vị chuyển giao và chịu trách nhiệm chính về mặt công nghệ cho dự án sản xuất thử nghiệm nói trên, đã diễn ra buổi lễ ký kết và triển khai nhiệm vụ cấp Quốc gia này.

Tham dự buổi triển khai có các thành viên chịu trách nhiệm chính của Dự án là DS Đào Ngọc Quynh (Công ty Cổ phần POMAX), TS BS Lê Quang Trí (Bệnh viện Quân Y 7A), PGS TS Hà Thúc Chí Nhân (trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh) cùng PGS TS Trần Hoàng Dũng của trường ĐH Nuyễn Tất Thành.

Đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành, PGS TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng phụ trách KHCN, đánh giá cao Dự án, cho đây là một điển hình gắng kết giữa nghiên cứu và sản xuất, phối hợp nghiên cứu đơn ngành đến đa ngành. Phía Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án thành công tốt đẹp.

PGS. TS. Trần Hoàng Dũng đọc quyết định giao nhiệm vụ Dự án SXTN Độc lập cấp Quốc gia DA ĐLCN.01/20 “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất màng biopolymer trên nền PHB (Polyhydroxybutyrate) có chứa nano bạc để làm băng dán sinh học ứng dụng trong điều trị vết bỏng và vết thương lâu liền” của Bộ KHCN cho Công ty Cổ phần POMAX

Dự án được triển khai là một minh chứng cho thấy năng lực của các giảng viên khoa CNSH trường ĐH NTT có thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất; đúng định hướng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ đó làm phong phú bài giảng, cơ hội việc làm cho sinh viên theo phương châm “Thực học – Thực hành – Thực nghiệp”.

Được biết Công ty Cổ phần POMAX được thành lập từ năm 2015 trên cơ sở phát triển của Công ty Cổ phần Dược phẩm BV Pharma và Công ty Hóa Dược Việt Nam.

Công ty đã có dự án đầu tư lên đến 20 triệu USD vào Khu Công nghệ Cao tại Quận 9 Tp Hồ Chí Minh tập trung tiếp nhận và triển khai các công nghệ y sinh tiên tiến để phát triển sản xuất phục vụ ngành y tế, trong đó có Trung tâm Đánh giá và Thử nghiệm Lâm sàng các sản phẩm Y- Dược với vốn đầu tư 10 triệu USD.

Công ty Cổ phần POMAX hiện đang cần nguồn nhân lực lĩnh vực Y - Dược và Công nghệ Sinh học cho các Dự án nói trên của Công ty.

Trần Hoàng Dũng

Đã đọc 1602 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department