Nhân nhanh cụm chồi lan Hoàng thảo Nhất điểm hồng (Dendrobium draconis) in vitro

Nghiên cứu "Nhân nhanh cụm chồi lan Hoàng thảo Nhất điểm hồng (Dendrobium draconis) in vitro" được thực hiện tại khoa Công nghệ Sinh học NTTU nhằm xác định các yếu tố môi trường thích hợp để nhân nhanh loài lan này phục vụ công tác sản xuất cây giống.

Hoàng thảo Nhất điểm hồng là một trong những loài lan có hương, rất được ưa chuộng trên thị trường hoa lan, nên có giá trị kinh tế cao và đang được thương mại hóa. Việc khai thác quá mức đã làm cho loài lan này đang có dấu hiệu suy giảm về số lượng, trở thành loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Lan Hoàng thảo Nhất điểm hồng phân bố chủ yếu ở vùng núi cao, khí hậu lạnh, mát khô ráo nên khi di chuyển ra khu vực khác cây phát triển kém, dễ bị thối gốc, hư đọt non, khó thích nghi trước điều kiện thay đổi của môi trường.

Trong tự nhiên, loài lan này nhân giống chủ yếu bằng hình thức sinh sản vô tính là nhân chồi, nhưng hệ số nhân giống thấp, không đem lại hiệu quả, chất lượng cây con không được bảo đảm. Công nghệ nhân giống in vitro giúp cải thiện hệ số nhân giống, cây con đồng nhất và chất lượng [16]. Vì vậy, nhân giống in vitro được xem là phương pháp hữu hiệu nhất để nhân nhanh và bảo tồn nhiều loài lan quý hiếm này [8].

Nghiên cứu này được sinh viên Lê Thị Thúy 13DSH1A thực hiện tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật, khoa Công nghệ Sinh học Đại học Nguyễn Tất Thành với sự hướng dẫn của thạc sĩ Đỗ Tiến Vinh  nhằm xác định các yếu tố môi trường thích hợp để nhân nhanh lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng phục vụ công tác sản xuất cây giống.

Trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật, chất điều hoà sinh trưởng là công cụ hữu ích giúp điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của mẫu nuôi cấy những mục tiêu nhất định. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của BA và kinetin đến khả năng tạo cụm chồi của cây lan Hoàng Thảo Nhất Điểm Hồng cho thấy lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng tạo chồi tốt trên môi trường có bổ sung BA 2 mg/l.

Lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng: mẫu cấy ban đầu (hình A), môi trường đối chứng (hình B), bổ sung kinetin 2 mg/l (hình C), bổ sung BA 2 mg/l (hình D)

Khi kết hợp hai chất điều hòa sinh trưởng thực vật là BA và IBA vào môi trường nuôi cấy sẽ cho hệ số nhân chồi tăng lên 6,03 lần.

Cụm chồi phát sinh trên môi trường có bổ sung: BA 2 mg/l (hình A và C), BA 2 mg/l và IBA 2 mg/l (hình B và D)

Việc bổ sung nước dừa cho hệ số nhân chồi 6,53 lần, cây phát triển tốt, lá xanh đậm, thân vươn cao tốt hơn so với việc sử dụng vitamin B1 và glycine.

Cụm chồi lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng phát sinh trên môi trường bổ sung nước dừa 10%

Kết quả khảo sát ảnh hưởng IBA đến khả năng tạo rễ cây lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng cho thấy, chồi lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng ra rễ tốt nhất trên môi trường có bổ sung IBA với số rễ là 26,55 chiều dài rễ 1,03 cm.

Lan Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng trên môi trường có bổ sung IBA 2 mg/l

Tài liệu tham khảo

  1. Amo-Marco J.B. and Ibanez M.R., 1998. Micropropagation of Limonium cavanillesii Erben, a threatened statice,from inflorescence stems. Plant Growth Regul, 24:49-54.
  2. Burnet G. and Ibrahim R.K., 1973. Tissue culture of Citrus peel and its potential for flavonoid synthesis, Z. Pflanzenphysiol. 69:152-162.
  3. Đặng Thị Thắm, H’Yon Niê Bing, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Đinh Văn Khiêm, Nông Văn Duy, Trần Thái Vinh, Quách Văn Hợi và Vũ Kim Công, 2019. vi nhân giống lan Lan Nhất điểm hoàng (Dendrobium heterocarpum Lindl.), Tạp chí Công nghệ Sinh học 16(1):127-135.
  4. Gaspar T., Kevers C., Faivre-Rampant O.,Crèvecoeur M., Penel C., Gerppin H. and Dommes J., 2003. Changing concept in plant hormone action. In Vitro Cell Dev. Pl.,39(2):85-106.
  5. Intuwong O. and Sagawa Y., 1973. Clonal propagation of sarcanthine orchids by aseptic culture of inflorescences, Amer. Orc. Soc. Bull. 42:264-270.
  6. Koravisd N., 2011. Effects of NAA, amino acids and sucrose on growth of in vitro culture of wild orchid, Dendrobium chrysanthum Lindl. 37th Congress on Science and Technology of Thailand, 10-12.
  7. Murashige T., Skoog F., 1962. A revised medium for rapid growth and bioassays with tobacco tissue cultures, Physiol Plant.15, 473 - 497.
  8. Mitra G.C., 1986. In vitro culture of orchid seeds: obtaining seedlings. In Vij SP, ed. Biology, Conservation, and Culture of Orchids. Affiliated East - West Press, New Delhi: 401-412.
  9. Nguyễn Thị Huyền Trang, Lê Thị Thủy Tiên, 2012. Tăng hệ số nhân nhanh chồi cây hoa salem tím (Limonium sinuatum L. Mill) bằng cách sử dụng kết hợp các chất điều hòa sinh trưởng thực vật và adenine trong nuôi cấy in vitro.Tạp chí sinh học, 34(3SE):219-226.
  10. Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Thị Lý Anh, Vũ Ngọc Lan, Trần Thế Mai, 2012. Nhân giống in vitro loài lan Hoàng Thảo Long nhãn (Dendrobium fimbriatum Hook.). Tạp chí Khoa học và Phát triển, 10(2):263-271.
  11. Nguyễn Thị Sơn, Trần Thế Mai, Hoàng Thị Nga, Nguyễn Thị Lý Anh, Nguyễn Quang Thạch, 2013. Nghiên cứu ứng dụng hệ thống bioreactor plantima trong nhân giống loài lan Hoàng Thảo Thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl.). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2:28-34.
  12. Nguyễn Thị Sơn, Từ Bích Thủy, Đặng Thị Nhàn, Nguyễn Thị L. Anh, Hoàng Thị Nga, Nguyễn Quang Thạch, 2014. Nhân giống in vitro lan Dendrobium officinale Kimura et Migo. Tạp chí Khoa học và Phát triển 12(8):1274–1282.
  13. Niramol, 2009. Micropropagation of Dendrobium draconis Rchb.f. from thin cross - section culture. SciHortic 122: 662-665.
  14. Sách đỏ Việt Nam - phần II. Thực vật, 2007. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, trang 431.
  15. Sunitibala H, and Kishor R., 2009. Microprpagation of Dendrobium transparens L. from pseudobulb segments. IJBT 8:448-452.
  16. Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Uyển, 2001. Vi nhân giống phong lan nhóm Dendrobium trên quy mô công nghiệp, nhân giống in vitro. Tạp chí Khoa  học Công nghệ,1-9.
  17. Trần Hợp, 1988. Phong lan Việt Nam. NXB Nông Nghiệp Hà Nội.

Đỗ Tiến Vinh

Đã đọc 4777 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department