Ảnh hưởng của hạn, mặn trên cây lúa và vai trò của Công nghệ sinh học

Trước tình hình hạn và mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, vai trò của những kỹ sư Công nghệ sinh học càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Lúa là cây lương thực quan trọng nhất của nước ta và đặt biệt là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đáng chú ý, trong năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công, mùa mưa xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Chính sự thiếu hụt nguồn nước đầu nguồn gây ra hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Cùng với đó, hạn mặn đến sớm, diễn biến phức tạp làm cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng,... đang phải “gồng mình” ngăn chặn xâm nhập mặn từ biển. Trong khi đó, cây lúa có khả năng chịu mặn trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng lại rất mẫn cảm với với mặn trong giai đoạn mạ và thời kỳ trổ bông. Triệu chứng ngộ độc mặn thể hiện rõ trên lá vào 5 - 7 ngày sau khi lúa bị nhiễm mặn bao gồm biểu hiện trực tiếp và gián tiếp:

  • Biểu hiện trực tiếp: các độc chất Na+ sẽ làm cho chóp lá bị cháy, do khi cây lúa hút nước mặn thải ra ở chóp lá sẽ đọng lại những độc chất Na+ (muối), dưới tác động của ánh nắng mặt trời sẽ làm cho lá lúa bị cháy từ chóp lá.
  • Biểu hiện gián tiếp: Na+ trong đất và nước sẽ làm cho rễ cây lúa không hút được nước, dẫn tới không hút được đạm và kali, do đó khi bị ngộ độc mặn, gây thiếu đạm và kali cho cây lúa.

Khi bị ngộ độc mặn thì chóp lá bị trắng từ chóp trở xuống, sau đó lá cuốn lại, chuyển sang màu vàng và khô dần đi. Lúc này, cây sinh trưởng kém, bộ rễ kém phát triển, nở bụi ít, hạt lúa bị lép, năng suất thấp và cây có thể bị chết.

Nỗi khốn cùng của người dân trong giai đoạn hạn và xâm nhập mặn

Các biện pháp phòng chống hạn, mặn cho lúa

Trước khi cho nước vào ruộng phải kiểm tra độ mặn trong nước. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước nhiễm mặn nhẹ dưới 2‰ cung cấp vừa đủ độ ẩm cho lúa. Khi độ mặn nhỏ hơn 2‰ chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây (dưới 3‰ đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh và nhỏ hơn 2‰ với các giai đoạn mạ và giai đoạn lúa làm đòng và trổ). Tuy nhiên, cần theo dõi độ mặn khi cấp nước vào ruộng, không tích nước mặn trong ruộng để tránh, cũng như hạn chế tình trạng muối tích tụ vào trong đất.

Nếu trường hợp trước đó đã cho nước mặn (lớn hơn 2‰) vào ruộng, sau đó có nước ngọt thì nên tháo nước mặn ra, rồi tiếp tục cho nước ngọt vào. Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ cho 3 lần bón phân và thời kỳ trổ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục.

Cần bón phân hợp lý, cân đối theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp), tránh bón thừa phân đạm. Tăng cường bón phân kali giúp cây lúa khỏe, tăng tính đề kháng. Có thể phun một số chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn, đồng thời làm tăng khả năng chống chịu điều kiện bất lợi khác như: KNO3 (pha 250g/bình 25 lít nước), Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N), Plasti Mula và các loại phân chứa canxi, hydrophos, humat…

Khi sử dụng phân bón cho vùng đất bị nhiễm phèn, mặn cần chú ý các loại phân có chứa các chất P2O5, CaO, MgO, SiO2 và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Cụ thể như:

  • Bón lót: Tăng cường bón phân lân nung chảy, phân hữu cơ và bón vùi vôi bột (lượng vôi 500kg/ha).
  • Bón thúc: Tăng cường bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu. Sử dụng các phân Urê chậm tan như đạm hạt vàng (Urê 46A+)... để chống thất thoát đạm.
  • Bón phân chuyên dùng Đầu trâu mặn – phèn một phần cung cấp dinh dưỡng phần tăng cường sức chống chịu cho cây lúa.

Nên chọn các giống lúa cứng cây, chịu phèn, chịu  mặn, chịu hạn, năng suất cao, phẩm chất tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thích nghi với vùng sinh thái và cơ cấu cây trồng tại địa phương như giống OM 4900, OM 5451, OM 6677, 5629, ST24…

Công nghệ sinh học với công cuộc chống hạn, mặn cho cây trồng

Vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. HCM), Viện Di Truyền Nông Nghiệp (Hà Nội) và Đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã liên kết nghiên cứu, đưa ra những hướng giải quyết có tính cấp bách để phần nào giúp bà con nông dân, đặc biệt là các vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít, thanh long,... vượt qua cơn đại dịch hạn, mặn 2020 này.

Trước tình hình đó, vai trò của những kỹ sư Công nghệ sinh học càng trở nên đặc biệt quan trọng, những người tiên phong trong việc tìm hiểu cơ chế, đặc điểm thực vật chịu hạn, mặn cũng như tuyển chọn được giống chống chịu các điều kiện khắc nghiệt, đồng thời nghiên cứu chuyển gen tạo giống chịu hạn, mặn.

Tất cả những vấn đề cấp thiết đó luôn được cập nhật và đưa vào bài giảng tại Khoa Công nghệ Sinh học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhằm đưa sinh viên hướng đến những thứ gần gũi, quen thuộc nhất. Công nghệ sinh học đã và đang góp sức tích cực trong giai đoạn này, đồng hành cùng người nông dân.

Cùng hướng đến tương lai, khi điều kiện tự nhiên và môi trường sống trên toàn cầu liên tục biến đổi một cách bất thường như thế này, thực vật biến đổi gen sẽ dần thay thế các cây trồng truyền thống để có thể đáp ứng được với các điều kiện khắc nghiệt hơn. Theo đó, Công nghệ sinh học cũng sẽ không ngừng phát triển và ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Nguyễn Thị Ngọc Thảo - Lớp 19DSH1A

Đã đọc 6004 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department