Hội thảo “Một số kỹ thuật mới trong nhân giống vô tính cây trồng nuôi cấy in vitro”

Chiều ngày 28/10/2020, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã vinh hạnh đón tiếp GS. TS. Dương Tấn Nhựt đến trình bày tại Hội thảo “Một số kỹ thuật mới trong nhân giống vô tính cây trồng nuôi cấy in vitro”.

Hội thảo thảo “Một số kỹ thuật mới trong nhân giống vô tính cây trồng nuôi cấy in vitro” được tổ chức tại Khoa Công nghệ Sinh học NTTU với sự tham gia của GS. TS. Dương Tấn Nhựt – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, PGS. TS. Trần Hoàng Dũng – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học NTTU, các giảng viên, nhân viên, cùng sinh viên các khóa 2018, 2019, 2020 của Khoa.

Hội thảo có sự tham gia của GS. TS. Dương Tấn Nhựt, PGS. TS. Trần Hoàng Dũng cùng đông đảo các bạn sinh viên của Khoa CNSH NTTU

Nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô, tế bào thực vật” đã là một phương pháp ngày càng phổ biến không chỉ đối với giới chuyên môn Công nghệ sinh học, mà được biết đến rộng rãi trong xã hội. Ứng dụng của phương pháp nhân giống vô tính in vitro đã đóng góp to lớn cho sản xuất nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua, điển hình ở đối tượng lan, khoai tây, cúc và dâu tây, cùng rất nhiều cây trồng khác.

Tuy nhiên, cho dù lợi ích lớn lao của phương pháp nhân giống in vitro đang được ứng dụng rộng rãi là không thể phủ nhận, phương pháp này cũng vẫn cần được đổi mới, tăng khả năng ứng dụng hơn nữa để thu được kết quả ưu việt hơn, vì khoa học và công nghệ là một kho tàng vô tận, luôn chờ đợi con người khám phá.

Do đó, tại Hội thảo “Một số kỹ thuật mới trong nhân giống vô tính cây trồng nuôi cấy in vitro”, GS. TS. Dương Tấn Nhựt đã rất tâm huyết trình bày cho các bạn sinh viên – những bạn trẻ đam mê Công nghệ sinh học về các cải tiến cũng như kỹ thuật mới có thể ứng dụng vào nuôi cấy mô, tế bào thực vật để tăng năng suất, hiệu quả nhân giống.

GS. TS. Dương Tấn Nhựt đã chia sẻ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu bổ ích trong Hội thảo

Thay vì sử dụng chai thuỷ tinh trong nuôi cấy in vitro như truyền thống, ngày nay bịch ni lông với các lỗ lọc thoáng khí đang được thay thế dần, vừa nhẹ, không chiếm nhiều diện tích, dễ dàng vận chuyển, nhờ đó giảm chi phí sản xuất. Và theo GS. TS. Dương Tấn Nhựt, các trung tâm nghiên cứu tại Đà Lạt đã nhân giống thành công nhiều loại cây trồng trong bịch ni lông hoặc hộp nhựa chịu nhiệt giá rẻ thay vì chai thủy tinh, cho năng suất và chất lượng cây giống rất tốt.

Bên cạnh đó, chuyên gia còn chia sẻ về thành tích đáng tự hào của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, hiện đang là đơn vị duy nhất nhân giống và thương mại thành công sâm Ngọc Linh, một loại sâm, thuốc quý có giá trị kinh tế rất cao ở nước ta. Điều này cho thấy khả năng ứng dụng của nhân giống vô tính in vitro là rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở những loại cây trồng phổ biến.

Ngoài ra, một số kỹ thuật hiện đại, cao cấp trong nuôi cấy thực vật in vitro cũng được Giáo sư chia sẻ tại buổi nói chuyện, tiêu biểu như kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng tế bào, kỹ thuật tạo phôi vô tính, kỹ thuật tạo hoa in vitro, ... Những kỹ thuật này hứa hẹn sẽ mang đến những thành công mới trong nghiên cứu Công nghệ sinh học Thực vật.

Các bạn sinh viên khoa CNSH nhiệt tình tham gia trả lời và đặt các câu hỏi cho khách mời

Trước những kiến thức vô cùng bổ ích mà chuyên gia mang đến cho buổi Hội thảo, các bạn sinh viên cũng thể hiện sự quan tâm của mình đến một lĩnh vực đang “hot” như Nuôi cấy mô, tế bào thực vật thông qua việc trả lời các câu hỏi của GS. TS. Dương Tấn Nhựt, cũng như đưa ra các thắc mắc của các bạn với Thầy.

GS. TS. Dương Tấn Nhựt chụp hình kỷ niệm cùng khoa Công nghệ Sinh học NTTU

GS. TS. Dương Tấn Nhựt đã rất tâm đắc khi tuyên bố rằng “Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện các công bố khoa học cạnh tranh tầm quốc tế, mang tính ứng dụng cao”. Thầy đã đưa ra nhiều minh chứng để chứng minh điều này, đặc biệt là một số nghiên cứu liên quan đến Nuôi cấy thực vật in vitro được thực hiện tại Việt Nam đã được công bố trên các Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như Nature, thể hiện tính mới không thua kém các nghiên cứu khác trên thế giới. Điều này tạo một động lực mới mạnh mẽ không chỉ cho sinh viên mà cả giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học có đam mê nghiên cứu khoa học.

Buổi Hội thảo đã giúp các bạn sinh viên yêu Công nghệ sinh học mở mang tầm hiểu biết, giúp các bạn củng cố, mở rộng thêm kiến thức cơ bản đã được học trên giảng đường, đặc biệt giúp các em sinh viên năm nhất mới vào Trường cảm thấy hào hứng, tự tin hơn với khoa Công nghệ Sinh học mà mình lựa chọn, một nơi chắc chắn hứa hẹn rất nhiều điều thú vị chờ đợi trong thời gian sắp đến, khi các em chính thức đặt chân vào con đường nghiên cứu khoa học.

Hồ Thị Cẩm Nguyên

Đã đọc 5767 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department