Ứng dụng di truyền phân tử trong việc xác định các giống chó thuần chủng

Nhóm nghiên cứu khoa CNSH NTTU đang nghiên cứu xây dựng quy trình nhận diện các markers phân tử có độ tin cậy cao cho các giống chó quý hiếm tại Việt Nam, bằng cách tìm ra các STRs markers có tính phân định cao cũng như các SNPs đặc trưng cho từng giống chó riêng biệt.

Chó nhà (Canis familiaris) là động vật đầu tiên được con người thuần hóa, chúng có nguồn gốc từ Sói và được thuần hóa bởi những người săn bắn hái lượm. Chó nhà được xem là một trong những loài động vật có mối quan hệ mật thiết với con người, được con người xem như thú cưng, sống gần gũi và được đánh giá như là loài vật thông minh, trung thành với con người nhất. Ngoài được nuôi làm thú cưng, con người còn đưa chó vào phục vụ cho các hoạt động của con người như săn bắt, kéo xe, chăn cừu, giữ nhà, điều tra nghiệp vụ, dẫn đường.

Chó cũng là một trong những loài động vật có hình thái đa dạng nhất, từ những giống chó có kích thước nhỏ bé như Chihuahuas, Pomeranian, hay những giống chó có có kích thước to lớn như Greatdane, Neapolitan mastiff.

Cấu trúc di truyền của quần thể chó nhà và sự thay đổi tương ứng  về hình thái (Parker và cs, 2004)

Ngày nay, do thị hiếu của con người là luôn sưu tầm, sỡ hữu, cũng như chọn lọc các cá thể chó có hình thái đẹp và khác thường. Kết quả của quá trình này là sự xuất hiện của các giống chó mới, là kết quả của một quá trình lai tạo, nhân giống theo một tiêu chuẩn hình thái nhất định trong một khoảng thời gian rất dài. Tuy nhiên, để lại tạo được các giống chó mới và được công nhận là giống chó thuần chủng thì đòi hỏi phải đáp ứng được các tiểu chuẩn nhất định và theo một quy trình giám sát hết sức khắt khe. Một trong những tiêu chuẩn phải đạt được là các giống chó thuần chủng phải là các cá thể trong cùng một quần thể cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người. Các giống chó thuần chủng phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

Như vậy, có thể thấy việc sở hữu được một giống chó thuần chủng thực sự, có sự ổn định về mặt hình thái và di truyền, có hình thể đẹp và được ưa chuộng, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người tạo giống và người sở hữu. Tuy nhiên, việc xác định giống chỉ dựa vào các đặc điểm hình thái bên ngoài sẽ mang tính chủ quan rất lớn, các giống chó có hình thái bên ngoài khá giống nhau rất khó để xác định giống, khó nhận diện chính xác khi các cá thể chó chưa trưởng thành và phát triển đầy đủ về mặt hình thái. Ngoài ra, hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo việc xác định giống bằng cách kiểm tra tinh trùng trước khi mua tinh hoặc trước khi thụ tinh nhân tạo là điều cực kỳ cần thiết.

Để giải quyết những vấn đề khó khăn trên, hiện nay với sự tiến bộ trong lĩnh vực di truyền phân tử, đặc biệt là các kỹ thuật giải trình tự trong đó có kỹ thuật giải trình tự thế hệ kế tiếp (NGS – Next Generation Sequencing) đã góp phần hỗ trợ đắt lực cho các nhà di truyền phân tử phát hiện hơn 200000 SNPs (Single Nucleotide Polymorphism) đặc trưng cho từng giống chó cụ thể. Với kết quả này, hiện nay các nhà khoa học đã xác định được hơn 350 giống chó trên toàn thế giới, xác định được tỉ lệ đóng góp của mỗi giống chó vào cá thể chó đang được kiểm tra, và cũng có thể xác định được cụ thể giống chó của thế hệ bố, mẹ.

Kết quả xác định giống cho thấy tỉ lệ phần trăm thành phần các giống chó của cá thể chó đang được kiểm tra (https://www.petprosupplyco.com/pages/embark-vet-dog-dna-test)

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về mức độ di truyền phân tử của chó. Nhóm Nghiên cứu ứng dụng di truyền phân tử trong phân tích di truyền tiến hóa thuộc Khoa Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng quy trình nhận diện các giống chó thuần chủng quý hiếm (chó Phú Quốc, H’Mông, Bắc Hà, Lài) của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình nhận diện các markers phân tử có độ tin cậy cao, bằng cách sử dụng kỹ thuật điện di mao quản và kỹ thuật giải trình từ nằm tìm ra các STRs markers có tính phân định cao cũng như các SNPs đặc trưng cho từng giống chó riêng biệt.

Bảng mô tả tóm tắt các SNPs đặc trưng trong vùng HV1 trong hệ gene ty thể của giống chó Phú Quốc và H’Mông cộc đặc hữu tại Việt Nam

Kết quả nghiên cứu bước đầu đã xác định được một số STRs markers có tính đa hình và khả năng phân định cao như REN214L11, FH2054, AHT121, AHT137, AHTh171, AHTh260, cũng như các SNPs trên vùng HV1 đặc trưng cho giống chó Phú Quốc (C15531T, T15611C), chó H’Mông cộc (C15630T, C15781T).

Kết quả này góp phần hỗ trợ trong việc công nhận giống và truy xuất phả hệ giữa các giống chó khác nhau, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên di truyền động vật, cũng như bảo tồn, duy trì các tính trạng quý hiếm đặc trưng của giống vật nuôi thuần chủng và chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi.

Tài liệu tham khảo

Parker, Heidi G., et al. "Genetic structure of the purebred domestic dog." science 304.5674 (2004): 1160-1164.

Sinh viên thực hiện đề tài

Nguyễn Thị Ái, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Nhật Vy

Tác giả liên hệ

Trần Hoàng Dũng, Nguyễn Thành Công

Nguyễn Thành Công

Đã đọc 9590 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department