Bệnh Parvo gây tiêu chảy cấp trên chó

Nhóm nghiên cứu trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành công trong việc phân tích, giải trình tự genome của virus gây bệnh tiêu chảy cấp trên chó, đồng thời thiết kế bộ mồi tối ưu để dễ dàng phát hiện nhanh virus này bằng phương pháp PCR.

Ngày nay, nhu cầu nuôi thú cưng đặc biệt là nuôi chó rất thịnh hành và phát triển. Song song đó, để đảm bảo cho các thú cưng khỏe mạnh, các bệnh phổ biến trên chó cũng được quan tâm tìm hiểu tích cực.

Khí hậu nóng ẩm gió mùa và vấn đề ô nhiễm, thiếu vệ sinh ở Việt Nam khiến các bệnh truyền nhiễm ở chó phát triển mạnh, điển hình như bệnh Care, viêm đường ruột, nấm v.v… Trong số đó, bệnh Parvo gây tiêu chảy cấp là bệnh cực kỳ nguy hiểm, chủ nuôi cần phải nhận biết sớm và thực hiện quy trình tiêm phòng đầy đủ cho thú cưng.

Canine parvovirus (CPV) là một loại virus truyền nhiễm chủ yếu ảnh hưởng đến chó. CPV rất dễ lây lan từ chó sang chó do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua phân của chó bị mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng thường thấy vào thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều.

Hiện có hai loại Parvovirus lây nhiễm trên chó tên là CPV-1 và CPV-2. Trong đó, CPV-2 bao gồm những chủng gây bệnh nghiêm trọng hơn với 3 biến chủng là CPV-2a, CPV-2b và CPV-2c. Các mẫu kháng nguyên của dạng biến chủng CPV-2a và -2b tương tự với CPV-2 gốc và biến chủng -2c được đánh giá có tính kháng nguyên/tính gây độc mạnh nhất.

Bệnh Parvo ở chó phổ biến nhất ở dạng đường ruột, thường mắc ở chó nhỏ từ khoảng 5-10 tuần tuổi. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 3-7 ngày. Chó sốt kéo dài từ lúc phát bệnh đến khi có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh (có khi chó không sốt hoặc nhiệt độ hạ). Con vật ủ rũ, bỏ ăn, nôn mửa, đi tiêu phân lỏng, phân có màu hồng hoặc có máu tươi, có lẫn cả niêm mạc ruột và chất keo nhầy, phân có mùi tanh rất đặc trưng. Con vật mất nước và chất điện giải nhanh chóng, niêm mạc nhợt nhạt, hố mắt trũng sâu.

Ở dạng viêm ruột kết hợp viêm cơ tim, con vật chết nhanh sau 24h tính từ khi có triệu chứng đầu tiên, nguyên nhân là do tiêu chảy nặng, thiếu máu, mất cân bằng điện giải, sốc tim, phù phổi…

Phòng ngừa là cách duy nhất để đảm bảo chó vẫn khỏe mạnh, vì căn bệnh này cực kỳ nguy hiểm và dễ lây lan. Nên thực hiện tiêm phòng cho chó con khi bắt đầu từ 7 – 8 tuần tuổi, riêng chó mang thai không nên tiêm phòng vì dễ gây sảy thai và làm cho chó mẹ ốm yếu.

Nắm bắt xu hướng, nhóm nghiên cứu của khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành gồm các thành viên Võ Thị Tài Hậu (Lớp 17DSH1A), Trần Kiên Cường (Lớp 15DSH1B) và Nguyễn Thanh Việt (Lớp 14DSH02) dưới sự hướng dẫn của TS. Thân Văn Thái cũng đang nhanh chóng tiến hành nghiên cứu về bệnh Parvo trên đối tượng chó nhằm phân tích, giải trình tự genome của virus gây bệnh, đồng thời thiết kế bộ mồi tối ưu để giải trình tự.

Sau 3 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chẩn đoán phát hiện được CPV trong các mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp PCR. 5 mẫu bệnh phẩm đã được thực hiện phản ứng PCR khuếch đại genome CPV và đem giải trình tự, kết quả thu được 2 trình tự genome của CPV để phân tích bằng phần mềm tin - sinh học. Từ các dữ liệu thu được, nhóm nghiên cứu bắt đầu xây dựng cây phát sinh loài, phân tích mức độ tương đồng và xác định được sự khác biệt giữa các nucleotide dẫn đến sự thay đổi các amino acid của gen VP2 và gen NS1.

Đề tài được đánh giá có tính mới, bước đầu thu được thành công trong thiết kế và giải trình tự genome Canine parvovirus, từ đó đóng góp dữ liệu genome Canine parvovirus vào ngân hàng Genbank, mở rộng sang hướng phân tích đồng nhiễm và tái tổ hợp của genome Canine parvovirus, phân tích các thay thế ở các dư lượng amino acid của gen NS1, xác định dịch tễ học của các chủng CPV lưu hành tại Việt Nam và quan trọng hơn cả là tạo cơ sở để chế tạo vaccine trong tương lai.

Võ Thị Tài Hậu – Lớp 17DSH1A

Đã đọc 10884 lần
Về đầu trang
Design by Information Management Department